Chuyển đến nội dung chính

NGHIỆP LỰC


 


NGHIỆP LỰC

Bạn từng thắc mắc: Tại sao có những người sống thiện lành nhưng liên tục gặp xui rủi, nghèo khổ, trong khi những người sống bất thiện lại hưởng giàu sang, an vui? Phải chăng giáo lý nhân quả nghiệp báo mà Đức Phật dạy sai ở đâu đó?

Tôi từng nghe những hướng dẫn như: cách trả sạch nghiệp, hay dấu hiệu cho thấy bạn đã hết nghiệp. Mỗi lần nghe như thế, tôi chỉ biết lắc đầu, tự hỏi họ học Phật pháp theo cách nào. Người Thầy của chúng ta là Đức Phật—bậc trí tuệ tối thượng, nhưng khi chúng ta mở miệng nói về nghiệp thì người khác lại gán cho chúng ta hai chữ “mê tín”. Mỗi người có một cách hiểu, một cách kiến giải riêng nhưng ít ai chịu đọc kinh tạng để hiểu rõ, thế thì người ta nói mình mê tín cũng không có sai.

Bài viết này là một nỗ lực nhằm trình bày một cách tổng quát về khái niệm “nghiệp” mà Đức Phật đề dạy trong kinh tạng gốc. Nghiệp là gì? Làm thế nào chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp rồi chúng ta sẽ được gì?

Nghiệp, chính là hành động, lời nói, suy nghĩ có chủ ý. Kinh AN 6.63 – Nghiệp, Đức Phật dạy:

"Chính tác ý là nghiệp, này các Tỷ kheo, Ta nói vậy. Do có tác ý, người ta hành động bằng thân, bằng lời, bằng ý."

Nghiệp không nằm ở đâu xa mà nằm ngay trong chính thói quen phản ứng của tâm, được duy trì bằng hành động có chủ ý lặp đi lặp lại qua thời gian dài. Các xu hướng hành vi-cảm xúc-suy nghĩ được hình thành từ những hành động có chủ ý trong quá khứ, được tích tụ trong dòng tâm thức tạo thành quán tính tâm lý giống như quán tính của một chiếc xe đang chạy về một hướng. Khi bạn thích cái này, ghét cái kia mà không lý do, hoặc phản ứng theo kiểu cố định trước các hoàn cảnh tương tự, đó không phải ngẫu nhiên – đó là biểu hiện của nghiệp lực đang vận hành trong tâm thức bạn. Như có người sợ nước, sợ lửa, sợ đám đông, có người ưa lý luận, ưa tranh cãi, dễ xúc động, dễ rơi nước mắt.

Lấy ví dụ cụ thể: Khi hai người đang tranh cãi với nhau, thân thể của họ là kết quả của nghiệp cũ, hoàn cảnh họ gặp phải cũng là quả của nghiệp quá khứ, và cách họ phản ứng trong lúc ấy (nếu không có sự tỉnh giác hay điều chỉnh tâm) cũng là nghiệp cũ đang trổ quả. Tuy nhiên, hành động ngay lúc đó—chẳng hạn như một người nổi sân và xúc phạm ngược lại người kia—đó cũng là hành động gieo nhân mới. Chỉ khi người ấy dừng lại, tự phản tỉnh, đánh giá tình huống hiện tại và chọn cách phản ứng tích cực hơn, thì lúc đó họ đang chủ động chuyển hướng dòng nghiệp của mình. Và đó chính là sự điều chỉnh dòng nghiệp lực khi có chánh niệm và tuệ. Chánh niệm giúp rõ biết thực tại, còn tuệ giúp phân biệt các pháp đang có mặt, để quyết định cách phản ứng phù hợp và tích cực nhất.

 

CHUYỂN NGHIỆP

Chuyển nghiệp không gì khác là con đường tu tập ba bước: Giới – Định – Tuệ.

Giới ngăn chặn những phiền não, bất thiện thô tháo; định giúp lọc những phiền não vi tế hơn và đoạn trừ dục; còn tuệ giúp hành giả đoạn tận mọi phiền não và lậu hoặc.

Sau một thời gian tu tập, một người vốn sân hận, đố kỵ, ngã mạn, thiếu trí tuệ sẽ trở thành một người sống lương thiện, từ bi, trí tuệ và có sự tỉnh giác rõ ràng.

Tuy nhiên, một câu hỏi thực tế được đặt ra là: Sau khi chuyển nghiệp, liệu cuộc sống của tôi có tốt đẹp hơn không? Tôi có trở nên giàu có hơn, xinh đẹp hơn, hay may mắn hơn?

Câu trả lời chân thật là: Không có gì chắc chắn.

Nghiệp trổ quả theo ba cách: Trổ ngay trong đời này, trổ trong đời kế tiếp, hoặc trổ ở kiếp xa hơn trong tương lai.

Điều này có nghĩa là quả của nghiệp luôn có một “độ trễ” nhất định. Những gì bạn đang trải nghiệm trong hiện tại thường là kết quả của nghiệp từ một hoặc nhiều kiếp quá khứ rất xa. Dù tâm thức bạn đã thanh tịnh, an tịnh, bạn vẫn không thể tránh khỏi những quả báo từ các nghiệp cũ.

Hơn nữa, giàu sang, sức khỏe hay danh vọng cũng không đảm bảo cho hạnh phúc thực sự. Có những người dù giàu sang nhưng tâm vẫn luôn trong trạng thái bất an, oán hận và khổ sở. Và, mong muốn giàu sang, thành đạt, may mắn thực chất là những đòi hỏi quá đáng, khi chúng ta thấy sự thật của dòng luân hồi vô tận này…

Như phân tích, nghiệp là những xu hướng có chủ ý trong tâm – là phần chủ động chi phối hành động, lời nói và suy nghĩ. Và chính các tác ý này sẽ trở thành nhân dẫn đến loại thức tái sinh tương ứng lúc cận tử – từ đó dẫn đến cảnh giới tương ứng.. Một khi đã rơi vào cõi khổ, việc tái sinh vào cõi lành sẽ vô cùng khó khăn.

Nếu không chuyển hóa, không tu tập, tâm sẽ mặc định vận hành theo chiều đi xuống. Các tâm bất thiện như tham, sân, si sẽ dần lấn át, và dòng tâm sẽ bị dẫn dắt mà không có lực kháng lại – giống như nước chảy xuống dốc, không cần nỗ lực vẫn trôi. Nhưng để đi ngược dòng, để cắt dòng nghiệp bất thiện, thì phải nỗ lực rất nhiều.

Một tâm không được điều phục, dù là của loài người hay súc sinh, đều vận hành theo bản năng cũ – vốn gắn với tham, sân, si. Không có khả năng quán sát, không có cơ hội tu tập, nó sẽ tiếp tục tạo nghiệp bất thiện mà không thể đổi hướng.

Cuối cùng khi cứ để tâm trôi theo dòng nghiệp bất thiện, kết quả tất nhiên là rơi xuống cõi thấp nhất của luân hồi: địa ngục – nơi chúng sinh phải chịu khổ đau dai dẳng và gần như không có cơ hội quay lên.

 

THÂN NGƯỜI VÀ GIẢI THOÁT

Nhưng vậy, làm sao để giải thích cho sự hiện hữu của 8 tỷ con người và các chúng sinh cõi trời?

Đức Phật từng nói rõ trong kinh ( SN 20.2,…)

“Hiếm thay là được làm người.”

“Hiếm thay là được nghe Chánh Pháp.”

“Như đất trên móng tay, so với đất cả quả địa cầu – đó là số chúng sinh sinh vào cõi lành so với kẻ rơi vào cõi khổ.”

 

8 tỉ nghe có vẻ nhiều, nhưng thật ra chỉ như một tí đất trên móng tay, so với đất cả quả địa cầu. Chúng sinh trong cõi khổ vô lượng vô biên không đếm xuể, số lượng người chỉ như một hạt cát nhỏ giữa sa mạc mênh mông.

Trong các cõi đó không thể tu tập hay chuyển nghiệp, chúng sinh cứ mãi trầm luân lâu dài như con rùa mù trông chờ ngày chui bọng cây (SN 56.47):

“Này các Tỳ kheo, thật là khó có được thân người.

Ví như có một con rùa mù, sống dưới đáy biển, mỗi 100 năm mới nổi lên một lần.

Trên mặt biển có một chiếc vòng gỗ trôi dạt.

Xác suất để con rùa đó đưa đầu trúng vòng,

Còn dễ hơn là chúng sinh trôi trong luân hồi mà sinh được làm người.”

 

Trong những trường hợp cực kỳ hy hữu, một may mắn nào đó mà một nhân lành kiếp xa nào đó trổ lúc cận tử, thì chúng sinh ở cõi khổ mới có cơ hội lên làm người. Do đó, có được thân người là một điều cực kỳ hy hữu, may mắn hơn trúng số độc đắc nhiều lần.

Vì vậy, nếu chúng ta không tận dụng cơ hội quý giá này để tu tập chuyển nghiệp, chúng ta sẽ mất đi cơ hội duy nhất để thoát khỏi khổ đau luân hồi vô tận. Mong muốn chuyển nghiệp chỉ để giàu sang, xinh đẹp, thành công trong đời này thực chất là một đòi hỏi sai lạc và nhỏ bé, không đáng kể so với hiểm họa lâu dài của luân hồi.

Chỉ khi hiểu rõ điều này, chúng ta mới nhận ra giá trị thật sự của việc chuyển nghiệp: không phải để đạt lợi ích thế gian, mà để đảm bảo tương lai không còn rơi vào khổ cảnh. Sâu xa hơn, chuyển nghiệp – nếu đi đến tận cùng – chính là bước đầu trên con đường giải thoát. Không dừng ở việc thay đổi số phận, mà chấm dứt hoàn toàn mọi tái sinh.

Nếu bạn đã hiểu rõ, hãy tận dụng thân người quý báu này. Đừng tìm cầu những lợi ích tạm bợ của thế gian. Vì khi tử thần đến, bạn chỉ còn lại tâm mình – không tài sản, không danh vọng, không ai có thể đi thay bạn qua cửa luân hồi. Hãy nghiêm túc tu tập Giới – Định – Tuệ để chuyển dòng nghiệp, đó mới là hy vọng thực sự.

Và nhớ rằng, nghiệp không có vay trả, không có hết hay còn.

Mà là dòng tâm có chủ ý vẫn đang vận hành – chuyển hướng được hay không, hoàn toàn do chính tâm của bạn quyết định.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Từ xưa đến nay, con người luôn tìm kiếm ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Câu hỏi "Ta sống để làm gì?" hay "Mục đích của đời người là gì?" đã được đặt ra dưới vô số hình thức, từ tôn giáo, triết học đến khoa học. Có người nói sống là để yêu thương, để học hỏi, để phát triển bản thân, để tiến hóa tâm thức hay để lại dấu ấn nào đó trong cuộc đời. Nhưng trong tất cả những câu trả lời đó, dường như hiếm ai thấy rằng: "Cuộc đời này vốn vô nghĩa." Tại sao con người lại sợ hãi ý niệm về một cuộc đời không có ý nghĩa sẵn có? Bởi vì nếu đời sống thật sự không mang một giá trị hay mục đích cố hữu, thì những điều con người theo đuổi—tiền bạc, danh vọng, tình yêu, tri thức—sẽ chỉ là những giá trị được áp đặt một cách chủ quan. Con người gán ý nghĩa cho cuộc đời để cảm thấy an toàn, có động lực bước tiếp hoặc để né tránh sự trống rỗng mà ý niệm 'vô nghĩa' mang lại. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chính sự không có ý nghĩa cố định lại mang đến một sự tự do tuyệt đối. Khi...

TRUNG ĐẠO : TÁI SINH KHÔNG CẦN LINH HỒN

  TRUNG ĐẠO LÀ GÌ Khi nhắc đến đạo Phật chúng ta thường nghe khái niệm “Trung Đạo”, nhưng chúng ta có thật sự hiểu rõ khái niệm này đúng theo tinh thần của đạo Phật Nguyên Thủy, Trung Đạo trong đạo Phật có phải chỉ là lối tu tập tránh xa hai cực đoan khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc? Liệu chúng ta có đang hiểu đúng tinh thần Trung Đạo của Đạo Phật Nguyên Thủy hay chỉ dừng lại ở ý niệm đơn giản? Hãy cùng bàn luận ! Theo cách hiểu phổ biến, Trung Đạo là lối tu tập tránh khỏi hai cực đoan là khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc. Tuy nhiên trong Phật Giáo Nguyên Thủy, trung đạo có một cách hiểu khác sâu sắc hơn, đó là Tri Kiến vượt khỏi cực đoan của Thường Kiến và Đoạn Kiến. Vì Chánh Tri Kiến là đi đầu và quan trọng nhất trong Bát Chánh Đạo, nếu không có Chánh Tri Kiến chúng ta sẽ bị lạc đường. Thường kiến là niềm tin rằng có một linh hồn thường còn bất biến, tồn tại mãi mãi sau khi chết, hoặc tin rằng có một đấng tạo hóa vĩnh cữu sinh ra muôn loài. Còn đoạn kiến là quan niệm rằng...

NHÂN QUẢ VÀ NHỮNG HIỂU LẦM

Nhân quả là một quy luật tự nhiên của vũ trụ, không do Đức Phật tạo ra mà chỉ do Ngài khám phá và giảng dạy. Quy luật này hoạt động vô tri, không biết thông cảm hay xem xét hoàn cảnh cá nhân. Bất kể ai, dù là vua hay kẻ cùng khố, cũng nhận kết quả tương ứng với nhân đã gieo. NHÂN QUẢ CÓ TÍNH LINH HOẠT HAY BÙ TRỪ ? Nhiều người tin rằng nếu làm một việc thiện, nó có thể bù trừ cho việc ác đã làm. Trên thực tế, mỗi nhân gieo sẽ tạo ra quả của chính nó, không có sự hoá giải bằng cách "bù trừ" hay triệt tiêu lẫn nhau. Ví dụ: Một người kiếm tiền bằng cách bất chính rồi dùng tiền đó đi bố thí. Hai hành động này độc lập và tạo ra hai loại quả khác nhau. Tuy nhiên một quả lành đã trổ có thể làm giảm nhẹ hoặc tạm thời trì hoãn quả xấu, nhưng đó không có nghĩa là bù trừ. NHÂN QUẢ CÓ XEM XÉT HOÀN CẢNH ? Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh đặc biệt có thể khiến nhân quả trở nên linh hoạt (thông cảm). Tuy nhiên, quy luật này chỉ hoạt động dựa trên hành động, lời nói, và tâm ý. Ví dụ 1: Một ngư...