Chuyển đến nội dung chính

TRUNG ĐẠO : TÁI SINH KHÔNG CẦN LINH HỒN

 


TRUNG ĐẠO LÀ GÌ

Khi nhắc đến đạo Phật chúng ta thường nghe khái niệm “Trung Đạo”, nhưng chúng ta có thật sự hiểu rõ khái niệm này đúng theo tinh thần của đạo Phật Nguyên Thủy, Trung Đạo trong đạo Phật có phải chỉ là lối tu tập tránh xa hai cực đoan khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc? Liệu chúng ta có đang hiểu đúng tinh thần Trung Đạo của Đạo Phật Nguyên Thủy hay chỉ dừng lại ở ý niệm đơn giản? Hãy cùng bàn luận !

Theo cách hiểu phổ biến, Trung Đạo là lối tu tập tránh khỏi hai cực đoan là khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc. Tuy nhiên trong Phật Giáo Nguyên Thủy, trung đạo có một cách hiểu khác sâu sắc hơn, đó là Tri Kiến vượt khỏi cực đoan của Thường Kiến và Đoạn Kiến. Vì Chánh Tri Kiến là đi đầu và quan trọng nhất trong Bát Chánh Đạo, nếu không có Chánh Tri Kiến chúng ta sẽ bị lạc đường.

Thường kiến là niềm tin rằng có một linh hồn thường còn bất biến, tồn tại mãi mãi sau khi chết, hoặc tin rằng có một đấng tạo hóa vĩnh cữu sinh ra muôn loài.

Còn đoạn kiến là quan niệm rằng chết là hết, mọi thứ hoàn toàn chấm dứt. Người mang đoạn kiến tin rằng con người và chúng sinh hoàn toàn là vật chất, tin rằng không có đời sau kiếp sau, không có nhân quả nghiệp báo, tin vào thuyết vô nhân ( mọi thứ là ngẫu nhiên).

Theo quan điểm của Đạo Phật, cả Thường Kiến và Đoạn Kiến đều là tà kiến vì không phản ánh đúng sự thật khách quan của các pháp. Đây là những cái thấy bị giới hạn bởi sự suy luận chủ quan và những trải nghiệm phiến diện.

VẬY TRI KIẾN CỦA TRUNG ĐẠO LÀ GÌ

Đó là cái thấy của Duyên Khởi.

Trong kinh Phật từng nói : “Này Ananda, lý Duyên Khởi này rất thâm sâu, thâm sâu thay là lý Duyên Khởi” , vì mức độ thâm sâu của Duyên Khởi, nên bài viết chỉ viết cơ bản, chủ yếu giải nghi về Trung Đạo.

Đức Phật chia một chúng sinh thành 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi uẩn đều do duyên sinh và biến đổi liên tục trong từng sát-na, không có gì là trường tồn. Cũng không có sự vật hay hiện tượng nào tồn tại độc lập mà không phụ thuộc vào các yếu tố khác. Đây là nguyên lý nền tảng trong việc hiểu rõ tính vô ngã, phủ định ý niệm về một linh hồn bất biến hay bản ngã cố định, và cũng để giải thích nhân quả và luân hồi tái sinh.

Năm uẩn bao gồm sắc uẩn thuộc về thân xác vật chất, 4 danh uẩn thuộc về tinh thần (tức thọ, tưởng, hành, thức). Ở đây không có cái bản ngã hay linh hồn bất biến gì cả, ngoài 5 uẩn này không có sự hiện hữu nào khác. Chúng ta cần hiểu rằng mỗi uẩn đều biến đổi không ngừng dưới tác động của duyên mới, từ bên trong, từ bên ngoài, từ nghiệp quá khứ và liên tục thay đổi thành những trạng thái mới, duyên sinh, tiếp nối lẫn nhau. Ví dụ, sắc uẩn chịu sự thay đổi bởi tuổi tác và bệnh tật; thọ uẩn bị ảnh hưởng bởi cảm giác vui, buồn, khổ đau hay lạc thọ. Trong cá thể lắp ráp đó không có Nội Tại, không có cái gì bất biến cả, tất cả đều là duyên hợp và đều có thể bị biến đổi.

TỒN TẠI SÁT-NA:

Không có pháp nào tồn tại quá một sát-na; mọi thứ sinh diệt liên tục trong từng khoảnh khắc, nhưng sự nối tiếp nhanh chóng này tạo ra ảo giác về sự tồn tại lâu dài và ổn định. Ví như khi xem phim, các hình ảnh tĩnh xuất hiện liên tục tạo cảm giác chuyển động, khiến chúng ta lầm tưởng về sự tồn tại liên tục của các pháp. Một cơn giận không phải là một cảm xúc cố định mà là dòng chảy của nhiều tâm sinh diệt tiếp nối nhau. Tương tự, cái mà chúng ta gọi là 'tôi' cũng chỉ là sự nối tiếp của các pháp sinh diệt trong từng sát-na, không có gì cố định. Một pháp hiện hữu là duyên cho pháp khác, một pháp bị diệt đi cũng là duyên cho pháp khác, một pháp xuất hiện cũng là duyên cho pháp khác, trùng trùng duyên khởi như thế, chúng sinh diệt nối tiếp nhau cho cảm giác một thực thể tồn tại lâu dài, nhưng thực tế không có gì tồn tại quá 1 sát-na cả.

GIẢI THÍCH TÁI SINH

Duyên khởi giải thích thế nào về quá trình tái sinh khi một người qua đời. Khi một người qua đời, Tử Thức là tâm cuối cùng trong dòng tâm thức của kiếp này, sinh khởi và diệt đi chỉ trong một sát-na, nhưng đủ sức tạo duyên cho Kiết Sanh Thức khởi lên trong một kiếp sống mới. Tử Thức và Kiết Sanh Thức không có bản chất cố định, nhưng chúng vẫn chịu sự chi phối của nghiệp lực, tạo ra sự tiếp nối không gián đoạn giữa các đời sống. Duyên sinh khởi của tử thức này từ nghiệp cũ : những việc làm, suy nghĩ, lời nói lúc còn đang sống, những tâm tư thiện ác, những tham sân si, hay nghiệp thiện lành bố thí cúng dường, tu tập từ bi hỷ xả, hoặc từ công phu thiền định, trong kiếp này hoặc có thể là kiếp xa nào đó, tất cả đều tranh giành biểu hiện thành duyên trong lúc này, và duyên mạnh nhất, nghiệp lực nổi trội nhất sẽ quyết định tử thức. Và khi tử thức diệt, mọi thứ ở kiếp này chấm dứt, thân xác sắc pháp sẽ trả lại cho tự nhiên, tâm thức hoàn toàn diệt tận.

Nhưng tử thức chỉ với 1 sát-na tồn tại, đã tạo điều kiện cho Kiết Sanh Thức sanh khởi ở kiếp sau, ở một chúng sinh hoàn toàn mới, ở một nơi hoàn toàn mới, có thể gần, có thể xa hàng tỉ năm ánh sáng. Điều này xảy ra tức thì, không bị ngăn cách bởi không gian.

Ở đây sẽ có nghi ngờ sự logic của việc Tử Thức và Kiết Sanh Thức là liên tục sát-na nhưng có thể ở hai nơi rất cách xa nhau. Thật ra cái chúng ta biết về thực tại còn rất hạn chế, trong khoa học cũng ghi nhận những hiện tượng phi logic như thế, ví dụ như hiện tượng “rối lượng tử” trong vật lý hiện đại – khi hai hạt có thể tác động lên nhau ngay cả khi cách xa nhau hàng tỉ năm ánh sáng.

KẾT LUẬN :

Trung đạo không chỉ là việc tránh xa hai cực đoan trong tu tập, mà còn là cái thấy thấu suốt vượt khỏi Thường Kiến và Đoạn Kiến, dựa trên tri kiến duyên khởi và vô ngã, giúp chúng ta thoát khỏi những ngộ nhận về bản ngã và linh hồn bất biến, cũng như ngộ nhận lớn khi quan niệm chết là hết hoặc không có nhân quả báo ứng, hướng đến sự hiểu biết chân thật hơn về bản chất của sự sống và cái chết. Duyên Khởi giúp thấy ra bản chất duyên sinh và vô ngã của các pháp, giải thoát khỏi những vọng tưởng sai lầm về cái tôi và sự hiện hữu. Đây chính là nền tảng để thực hành tu tập giải thoát.

 -TP-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Từ xưa đến nay, con người luôn tìm kiếm ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Câu hỏi "Ta sống để làm gì?" hay "Mục đích của đời người là gì?" đã được đặt ra dưới vô số hình thức, từ tôn giáo, triết học đến khoa học. Có người nói sống là để yêu thương, để học hỏi, để phát triển bản thân, để tiến hóa tâm thức hay để lại dấu ấn nào đó trong cuộc đời. Nhưng trong tất cả những câu trả lời đó, dường như hiếm ai thấy rằng: "Cuộc đời này vốn vô nghĩa." Tại sao con người lại sợ hãi ý niệm về một cuộc đời không có ý nghĩa sẵn có? Bởi vì nếu đời sống thật sự không mang một giá trị hay mục đích cố hữu, thì những điều con người theo đuổi—tiền bạc, danh vọng, tình yêu, tri thức—sẽ chỉ là những giá trị được áp đặt một cách chủ quan. Con người gán ý nghĩa cho cuộc đời để cảm thấy an toàn, có động lực bước tiếp hoặc để né tránh sự trống rỗng mà ý niệm 'vô nghĩa' mang lại. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chính sự không có ý nghĩa cố định lại mang đến một sự tự do tuyệt đối. Khi...

NHÂN QUẢ VÀ NHỮNG HIỂU LẦM

Nhân quả là một quy luật tự nhiên của vũ trụ, không do Đức Phật tạo ra mà chỉ do Ngài khám phá và giảng dạy. Quy luật này hoạt động vô tri, không biết thông cảm hay xem xét hoàn cảnh cá nhân. Bất kể ai, dù là vua hay kẻ cùng khố, cũng nhận kết quả tương ứng với nhân đã gieo. NHÂN QUẢ CÓ TÍNH LINH HOẠT HAY BÙ TRỪ ? Nhiều người tin rằng nếu làm một việc thiện, nó có thể bù trừ cho việc ác đã làm. Trên thực tế, mỗi nhân gieo sẽ tạo ra quả của chính nó, không có sự hoá giải bằng cách "bù trừ" hay triệt tiêu lẫn nhau. Ví dụ: Một người kiếm tiền bằng cách bất chính rồi dùng tiền đó đi bố thí. Hai hành động này độc lập và tạo ra hai loại quả khác nhau. Tuy nhiên một quả lành đã trổ có thể làm giảm nhẹ hoặc tạm thời trì hoãn quả xấu, nhưng đó không có nghĩa là bù trừ. NHÂN QUẢ CÓ XEM XÉT HOÀN CẢNH ? Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh đặc biệt có thể khiến nhân quả trở nên linh hoạt (thông cảm). Tuy nhiên, quy luật này chỉ hoạt động dựa trên hành động, lời nói, và tâm ý. Ví dụ 1: Một ngư...