NHỊ NGUYÊN ĐỐI ĐÃI
Ta sẽ bắt đầu bằng ví dụ chiếc bè qua sông.
Trong kinh Trung Bộ 22 (Ví dụ con rắn), Đức Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.”
Lời dạy này có thể hiểu ngắn gọn: Pháp mà Đức Phật dạy là phương tiện để thực hành chuyển hóa nội tâm, không phải để chấp giữ, tranh luận hay nuôi ngã mạn. Ai học pháp chỉ để chứng tỏ mình biết nhiều, rơi vào ngã mạn, thì đã học sai pháp – pháp trở thành gánh nặng thay vì cứu cánh.
Trở lại chủ đề nhị nguyên đối đãi. Ban đầu, khi chưa học đạo, ta chưa biết rõ đúng – sai, thiện – ác. Sau khi học pháp, ta biết phân biệt: chánh pháp – phi pháp, điều nên làm – điều nên tránh.
Tuy nhiên, nếu tư duy sâu hơn một tầng, ta sẽ thấy những cặp như đúng – sai, thiện – ác, tôi – người (chủ thể – khách thể) đều là sản phẩm của tâm phân biệt. Nếu tâm không còn phân biệt, liệu có vượt qua được kiến chấp, đạt được một cái thấy rộng hơn không? Có áp dụng được trong thực hành?
Xét trên phương diện vũ trụ, phân biệt đúng – sai, thiện – ác của con người thực sự vô nghĩa. Vũ trụ vẫn vận hành mà không cần khái niệm. Mọi phân biệt là lớp ngôn ngữ tâm thức gán lên hiện tượng.
Nhưng thực tế đời sống lại khác. Con đường đi lên và con đường đi xuống tuy đều gọi là "con đường" nhưng dẫn đến hai hướng hoàn toàn trái ngược. Ta vẫn còn thân – tâm, vẫn chịu khổ, đó là thực tại. Tưởng tri "phi nhị nguyên" – tức là thấy mọi thứ đều không còn phân biệt – thật ra chỉ là đổi góc nhìn. Nếu nội tâm chưa được chuyển hóa, thì việc đổi góc nhìn không mang lại giá trị gì.
Bản thân cái thấy về vô ngã trong đạo Phật : "vô ngã nghĩa là không có ai, không phải không có gì. Mọi pháp là tiến trình sinh diệt theo nhân duyên". Thấy đúng như vậy là đã vượt khỏi nhị nguyên. Và để thực sự thoát khỏi nhị nguyên, phải trực tiếp nhận ra sự vận hành của các pháp ngay nơi thân – tâm này, chứ không thể chỉ dừng ở việc đổi góc nhìn tưởng tri.
Nhận xét
Đăng nhận xét