HƯỚNG DẪN TU TIÊN THEO PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Đây là hướng dẫn nghiêm túc, logic, không chém gió, không câu like. Cụm từ "tu tiên" từ lâu đã gợi lên những hình ảnh đầy huyễn hoặc – phép thuật, trường sinh, phi thăng – thường thấy trong Phong Thần, Tây Du Ký hay các phim tiên hiệp Trung Quốc. Nhưng thực sự, những suy tưởng đó có giống với mô tả trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy?
Theo giáo pháp của Đức Phật, tu tiên – nếu hiểu đúng – là con đường tu tập để tái sinh vào các cõi cao hơn trong lục đạo luân hồi, bao gồm các cõi trời thuộc Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Một nguyên tắc đơn giản nhưng sâu sắc là: "Vật tụ theo loài, tâm thức cộng trú theo cảnh giới." Nghĩa là, muốn tái sinh về cảnh giới nào, thì tâm thức ngay trong đời này phải trở nên tương ứng với bản chất của chúng sinh nơi đó. Nếu tâm thức của một người trong hiện tại không đủ điều kiện tương hợp với cảnh giới ấy, thì dù có mong cầu tái sinh về đó, cũng sẽ không thể đạt được. Do đó, muốn cộng trú với chư thiên thì tâm phải giống chư thiên – không phải chỉ cầu nguyện hay mong ước, mà phải thực hành chuyển hóa nội tâm thực sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Đức Phật không hề khuyến khích chúng ta đi con đường này. Vì sao? Vì dù tái sinh vào cõi trời, đây vẫn là một phần của luân hồi, vẫn chịu vô thường, vẫn phải chết, vẫn còn khổ đau. Giáo pháp của Đức Phật hướng đến sự giải thoát rốt ráo, vượt khỏi luân hồi, chứ không đơn giản là thành "ông trời lớn hay ông trời nhỏ".
Trước hết, cần phân biệt rõ: Một vị trời hoàn toàn khác một vị Thánh. Đây là điểm rất dễ gây hiểu lầm. Vị trời chỉ là một chúng sinh trong luân hồi, sinh về cõi trời nhờ giữ giới, bố thí, thiền định, và làm các việc thiện lành. Dù sống rất lâu, hưởng thọ phước báu lớn, tâm thiện hơn người, nhưng một vị trời vẫn còn vô minh, vẫn là phàm phu. Khi hết phước, họ có thể tái sinh trở lại làm người, súc sinh, hoặc thậm chí vào địa ngục nếu tạo ác nghiệp.
Ngược lại, một vị Thánh là người đã bước vào con đường giải thoát, bắt đầu từ việc đoạn trừ các kiết sử – tức những trói buộc khiến chúng ta còn phải luân hồi. Có bốn tầng Thánh quả:
Sơ quả (Nhập Lưu): Đoạn trừ ba kiết sử là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Vị này không bao giờ tái sinh vào các cõi ác đạo nữa và tối đa chỉ tái sinh 7 lần trước khi hoàn toàn giải thoát.
Nhị quả (Nhất Lai): Làm suy yếu tham dục và sân hận, chỉ còn tái sinh vào cõi dục giới đúng một lần nữa trước khi giải thoát.
Tam quả (Bất Lai): Đoạn tận hoàn toàn tham và sân thuộc dục giới. Không còn tái sinh trở lại làm người hay trời dục giới, mà sẽ tái sinh vào sắc giới và chứng đạt quả vị A-la-hán ở đó.
Tứ quả (A-la-hán): Đoạn tận tất cả mọi lậu hoặc, không còn bất kỳ sự tái sinh nào nữa, đã hoàn toàn giải thoát.
Vì thế, cần hiểu rõ rằng một vị trời không nhất thiết là
Thánh; trong khi một vị Thánh có thể xuất hiện trong hình tướng của người hoặc
trời. Việc tái sinh làm trời thì tương đối dễ, còn đắc Thánh quả là cực kỳ khó
và hiếm gặp.
Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích về cách tái sinh vào từng cõi.
Các cõi trời Dục Giới bao gồm sáu tầng, từ thấp lên cao là: Tứ Thiên Vương, Đao Lợi (cõi của Thiên Đế Thích), Dạ Ma, Đâu Suất (cõi tiền thân của các vị Bồ-tát trước khi xuống trần gian), Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại. Tuy ít khổ hơn nhân loại, nhưng các cõi này vẫn còn tham dục và thọ hưởng dục lạc. Người muốn tái sinh vào đây phải giữ giới, làm việc thiện lành, bố thí và cúng dường Tam bảo. Tuy nhiên, nếu bố thí mà không trong sạch, tâm mong cầu, còn nhiều sân si, không nghiêm trì giới luật, thì hoàn toàn không có gì đảm bảo sẽ được sinh về các cõi trời này, thậm chí còn có thể tái sinh vào ác đạo. Đây là con đường tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chắc chắn, bởi vì khi cận tử nghiệp khởi lên, những quả lành do hành thiện và tích phước trong một đời này có thể không đủ mạnh để lấn át các quả ác đã tích lũy từ nhiều đời trước – nếu có.
Các cõi trời Sắc Giới gồm 16 cõi, ứng với bốn tầng thiền định (từ sơ thiền đến tứ thiền). Chư thiên ở đây đã hoàn toàn vượt khỏi dục lạc, thân tỏa hào quang, du hành tự tại trong hư không. Muốn tái sinh về sắc giới, hành giả phải tu tập thiền định thực sự, đoạn trừ năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm thuỵ miên, trạo hối và nghi), đạt được các thiền chi tương ứng với tầng thiền mình muốn sinh về (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm). Một con đường khác là tu tập Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Nhưng cần đặc biệt nhớ rằng, nếu tu tập một trong các tâm vô lượng như từ, bi, hỷ hoặc xả mà chưa phát triển đến mức chứng đắc thiền định, ít nhất là sơ thiền, thì vẫn không thể tái sinh vào sắc giới được.
Cõi trời Vô Sắc Giới gồm bốn tầng, là các cảnh giới chỉ còn tồn tại bằng tâm thức, không còn bất kỳ yếu tố vật chất nào như sắc thân hay hình tướng. Những vị tái sinh vào đây là người tu thiền rất sâu, đã chán ngán sắc thân và vật chất, đạt đến trạng thái thiền vô sắc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tuổi thọ tuy dài lâu, nhưng vẫn không vượt khỏi sinh tử. Các vị này vẫn còn phải tái sinh, vẫn nằm trong luân hồi khi hết tuổi thọ thiền định.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh một lần nữa: dù tái sinh vào các cõi trời là có thật, nhưng không phải là giải thoát. Đức Phật không dạy chúng ta tu tập để làm trời. Ngài chỉ rõ mục tiêu duy nhất của giáo pháp là đoạn tận khổ đau, chấm dứt luân hồi, chứng đạt Niết-bàn. Sau khi đã đạt được tâm định vững chắc, con đường tiếp theo là phát triển tuệ học – tức thấy rõ thực tướng vô thường, khổ và vô ngã – để đoạn tận vô minh và đạt đến giải thoát hoàn toàn.
Tu tiên là con đường đi lên trong luân hồi. Giải thoát là
con đường ra khỏi luân hồi. Bạn muốn đi lên – hay đi ra?
-tp-
Nhận xét
Đăng nhận xét